Ngành chế biến gỗ nội thất tìm lối ra trong đại dịch Covid-19
(BizNoiThat) Các doanh nghiệp ngành gỗ, bằng nhiều cách khác nhau đang cố gắng sống sót để vượt qua đại dịch, bởi họ biết rằng, dịch rồi sẽ qua và ngành gỗ Việt sẽ tiếp tục khởi sắc như những gì ngành này chứng minh trong những năm qua.
Dịch Covid 19 đã “giáng đòn” chí tử vào ngành gỗ, một trong những ngành mang về hàng chục tỉ đô la Mỹ cho nền kinh tế mỗi năm. Thiệt hại là rất lớn. Theo ước tính ban đầu của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), 100% số doanh nghiệp phản hồi bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, có những doanh nghiệp (đề nghị giấu tên) cho hay, doanh nghiệp này đã mất 4 triệu đô la Mỹ chỉ trong hai tuần. Tuy nhiên, nếu nhìn ở mặt tích cực, cuộc khủng hoảng mang tên Covid còn là động lực buộc các doanh nghiệp phải nghĩ lại chiến lược kinh doanh dài hạn của mình, bởi khoảng thời gian “cách ly" sẽ khiến thói quen tiêu dùng thay đổi, chuyển mua hàng từ hình thức truyền thống sang trực tuyến. Bán đồ gỗ qua mạng, tại sao không? Mới đây, Mội số công ty Nội thất và một số thành viên xuất khẩu khác của Hiệp hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) đã thử nghiệm mô hình thương mại điện tử, kết hợp với công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) để giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Khách hàng ở nước ngoài chỉ cần bật máy tính là có thể xem được tất cả các mẫu mã mà doanh nghiệp nội thất trưng bày và tham quan nhà xưởng trên không gian 3D. Hai công ty thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu Amazon và Alibaba, thông qua Hawa, mới đây cũng đã đào tạo cho các doanh nghiệp trong ngành hình thành kênh thương mại điện tử trong thời gian tới. Theo Hawa, thông qua sàn thương mại điện tử này, hai bên có thể biết được mẫu mã, giá cả và năng lực sản xuất của nhau. “Đây là hướng đi tất yếu, dài hạn đối với không chỉ ngành gỗ mà còn cho nhiều ngành hàng khác. Bởi, các doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro trong tương lai, chứ không chỉ với dịch Covid -19", theo Hawa. Ông Vũ Hải Bằng, Tổng giám đốc Công ty Nội thất Woodland, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu của Việt Nam, với khoảng 3.000 người lao động và 60 triệu đô la Mỹ doanh thu năm 2019 từ các thị trường lớn như Mỹ và EU, cho biết, khách hàng đã ngay lập tức báo dừng đơn hàng khi EU và Mỹ áp dụng các biện pháp đóng cửa, cách ly xã hội. Tuy nhiên, một số khách hàng Mỹ đặt hàng tháo lắp, dùng để phân phối qua kênh thương mại điện tử vẫn hoạt động bình thường. Ông Bằng cũng cho rằng, hiện nay rất ít doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng được hệ thống thương mại điện tử tới tận tay người tiêu dùng cuối cùng. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đã thành lập công ty ở Mỹ, Canada hay EU để thiết lập mạng lưới này. “Thương mại điện tử đã được nhắc tới cách đây nhiều năm. Đại dịch sẽ càng đẩy nhanh tốc độ áp dụng hình thức kinh doanh này tại cộng đồng doanh nghiệp trong nước", ông Bằng nói. Tuy nhiên, để chuyển đổi thành công, doanh nghiệp cần phải thay đổi căn bản về dòng sản phẩm, trình độ quản trị doanh nghiệp, tay nghề của người lao động và phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài vấn đề về dòng sản phẩm, các doanh nghiệp cũng phải đẩy mạnh khâu thiết kế. Trước đây, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành gỗ gia công, chế biến theo mẫu mã khách hàng cung cấp. Điều này có nghĩa bản quyền về mẫu mã thiết kế sản phẩm không thuộc về doanh nghiệp mà thuộc về người mua. Doanh nghiệp không thể thực hiện được hình thức bán hàng online nếu mẫu mã và thiết kế không thuộc bản quyền của mình. Bên cạnh đó, chuyển đổi phương thức bán hàng sang hình thức trực tuyến cũng đòi hỏi một nền tảng công nghệ phát triển. Một số hiệp hội chế biến gỗ trong nước đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số với Tập đoàn FPT. Đây cũng được coi như một bước đi ban đầu cho ngành gỗ đưa sản phẩm lên các nền tảng thương mại trực tuyến. Đón bắt cơ hội trong gian nan Ngành gỗ năm nay chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu 12 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu đề ra từ hồi cuối năm 2019, song không vì thế mà vị thế của ngành này thay đổi. Dịch bùng phát tại Trung Quốc sẽ càng đẩy nhanh tiến trình dịch chuyển sản xuất và đơn hàng từ quốc gia này sang các nước Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam là điểm sáng của khu vực. Trình độ sản xuất và chế biến gỗ của Việt Nam vượt trội hơn so với các quốc gia khác, thêm nữa, thành công bước đầu trong kiểm soát dịch của Chính phủ cũng củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư. Theo bản báo cáo mới công bố ngày 6-4 của Vinacapital, công ty phát triển bất động sản và quản lý đầu tư tại Việt Nam, nước ta thậm chí còn được hưởng lợi sau khi đại dịch kết thúc bởi tiến trình dịch chuyển sản xuất, đầu tư càng được đẩy nhanh hơn. Nhất là sau khi thế giới thay đổi cách nhìn nhận về Trung Quốc sau khủng hoảng dịch bệnh và nhất là cách Trung Quốc xử lý với đại dịch này. Vì vậy, doanh nghiệp nào sống sót sau đại dịch, bảo tồn được lực lượng lao động và có những thay đổi trong mô hình sản xuất, có thể tận dụng được cơ hội sau dịch. “Sau cơn mưa trời lại sáng. Điều quan trọng là doanh nghiệp có sống được tới lúc đó hay không", giám đốc một doanh nghiệp gỗ nói. (Theo Saigontimes) |